top of page

Quyền tài phán của quốc gia trên biển – những vấn đề lý luận và thực tiễn

Việc nghiên cứu một cách tổng thể, chuyên sâu về quyền tài phán và việc thực thi quyền tài phán của quốc gia trên biển nói chung và Việt Nam nói riêng rất cần thiết vì những lý do sau đây. Thứ nhất, việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về quyền tài phán của quốc gia trên biển nằm trong lộ trình chung liên quan đến vấn đề bảo vệ biên giới quốc gia mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Thứ hai, củng cố thêm cơ sở lý luận và pháp lý cho việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng ở trên các vùng biển. Thời gian gần đây, hiện tượng tàu thuyền mang quốc tịch nước ngoài tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật trên các vùng biển của Việt Nam khá phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích trên biển của Việt Nam; đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp biển Đông giữa Việt Nam và các nước đang ngày càng căng thẳng thì việc củng cố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển là thực sự cần thiết nhằm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia, đồng thời giữ gìn và duy trì trật tự pháp lý quốc tế đã được thiết lập theo quy định của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (sau đây viết tắt là UNCLOS). Thứ ba, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao năng lực của các lực lượng chấp pháp là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia; đồng thời phù hợp với xu thế củng cố lực lượng chung của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Thứ tư, một số quy định của pháp luật và thực tiễn thi hành quyền tài phán trên biển của Việt Nam thời gian qua còn những bất cập đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật biển Việt Nam liên quan đến nội dung quyền tài phán và việc thực thi quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển. Từ những yêu cầu, đòi hỏi đó của thực tiễn, với mong muốn có những đóng góp nhất định trong việc hoàn thiện hơn nữa pháp luật và thực tiễn thi hành quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển, nghiên cứu sinh đã chọn đề tài: “Quyền tài phán của quốc gia trên biển – những vấn đề lý luận và thực tiễn” để làm luận án tiến sỹ chuyên ngành luật quốc tế.

Trích: Quyền tài phán của quốc gia trên biển – những vấn đề lý luận và thực tiễn

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Yến

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Đoàn Năng - TS. Nguyễn Toàn Thắng

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page