top of page

Quyền nhân thân của nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội theo pháp luật dân sự Việt Nam

Việt Nam đang ngày càng chủ động và tích cực hơn tại các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người, đặc biệt là đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Ở cấp độ khu vực, Việt Nam tham gia nghiêm túc vào quá trình xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN, Uỷ ban liên chính phủ ASEAN về quyền con người, đóng góp tích cực trong các Ủy ban ASEAN về phụ nữ và trẻ em, về lao động di cư... Ở cấp độ song phương, Việt Nam hiện có cơ chế Đối thoại nhân quyền chính thức với năm nước/đối tác, bao gồm Mỹ, EU, Thụy Sỹ, Na Uy và Australia. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều kênh trao đổi không chính thức về các vấn đề quyền con người, tham gia nhiều diễn đàn liên quan đến các khía cạnh khác nhau của quyền con người. Trong những năm qua, Việt Nam đã có những chính sách cụ thể trong việc ban hành ra các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể để hiện thực hóa các biện pháp hỗ trợ quyền con người nói chung và quyền của nhóm dễ bị tổn thương nói riêng. Bên cạnh đó, các tổ chức nhân dân, phi chính phủ của Việt Nam và quốc tế cũng đã có rất nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nhóm người yếu thế như hỗ trợ vốn, đào tạo dạy nghề, tạo công ăn việc làm, tiếp cận các dịch vụ

công... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó một phần do các quy định pháp lý có những điểm chưa triệt để và rõ ràng. Cùng với đó là những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ cơ sở, nguồn lực Nhà nước có hạn... dẫn đến nhận thức và việc tiếp cận các biện pháp của Nhà nước cũng như của các tổ chức nhân dân và phi chính phủ khác đối với nhóm người dễ bị tổn thương còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, việc bảo vệ quyền nhân thân của những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương hiện tại vẫn chỉ được đề cập trong những đạo luật chung như Bộ luật Dân sự và một số luật chuyên ngành mà chưa thực sự được định hướng pháp điển hoá đúng với tính chất của nó. Chính vì vậy, luận án tập trung nghiên cứu vấn đề: “Quyền nhân thân của nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành”. Việc tiếp cận, nghiên cứu một cách toàn diện quyền nhân thân của nhóm người dễ bị tổn thương trên cơ sở tiếp cận pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam hiện hành, đánh giá thực trạng bảo vệ quyền nhân thân của nhóm người yếu thế này là cơ sở cho việc hoàn thiện quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thời gian tới.

Trích: Quyền nhân thân của nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội theo quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Phạm Hùng Cường

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Thị Quế Anh

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


5 lượt xem0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page