top of page

Pháp luật về mua bán nợ xấu từ hoạt động cho vay của các TCTD ở Việt Nam

Mua bán nợ xấu từ hoạt động cho vay của các TCTD ở Việt Nam hiện nay đang có sự tham gia chủ yếu của VAMC, các AMC trực thuộc các TCTD và DATC. Các chủ thể khác có khả năng tham gia mua bán nợ xấu rất hạn chế, hay mới dừng ở mức tiềm năng. Mỗi chủ thể có vai trò, phạm vi và mục tiêu hoạt động khác nhau. Mặc dù VAMC có những lợi thế và sứ mệnh đặc biệt khi tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu, nhưng sự tồn tại của một công ty mua bán nợ của Nhà nước chỉ mang tính giai đoạn, sau khi giải quyết được cơ bản tình trạng nợ xấu ngân hàng, thường công ty này sẽ tự chấm dứt hoạt động giống như IBRA (công ty mua bán nợ quốc gia của Indonesia) đã chấm dứt hoạt động năm 2004, DANAHARTA (công ty mua bán nợ quốc gia của Malaysia) năm 2005 và TAMC (công ty mua bán nợ quốc gia của Thái Lan) năm 2011. Bên cạnh đó, DATC chỉ có khả năng tham gia hạn chế, cho nên, chủ thể chính tham gia vào hoạt động mua bán nợ xấu vẫn là các AMC thuộc các TCTD. Bên cạnh thực trạng báo động của tình hình nợ xấu trong hệ thống TCTD, hoạt động mua bán nợ xấy trên thị trường chưa thực sự hiệu quả và giải quyết được tận gốc vấn đề có nguyên nhân rất lớn xuất phát từ các quy định của pháp luật hiện hành. Hiện nay có rất nhiều quy định pháp luật Việt Nam điều chỉnh quan hệ mua bán nợ xấu giữa TCTD bán nợ với bên mua nợ là VAMC và các chủ thể khác đang gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí có nhiều quy định khó áp dụng trong thực tiễn như những quy định của Nghị định 34/2015/NĐ-CP về công cụ trái phiếu, trái phiếu đặc biệt còn nhiều hạn chế cho TCTD nắm giữ, đồng thời thiếu cơ chế bảo lãnh của Chính phủ hay NHNN, quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 cho phép VAMC mua được mua nợ xấu theo giá trị thị trường và thanh toán bằng tiền nhưng thiếu phương án hiệu quả để huy động vốn cho VAMC. Cùng với đó, mặc dù các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành hàng loạt các văn bản pháp luật nhằm đa dạng hóa các chủ thể tham gia mua bán nợ xấu trên thị trường, ngoài các công ty mua bán nợ chuyên nghiệp, pháp luật đã trao quyền cho chính các TCTD tham gia mua bán nợ xấu của các TCTD khác, hay các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, đặc biệt là cơ chế pháp lý cho sự ra đời của mô hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, tuy nhiên, quy định về mức vốn pháp định và điều kiện với người quản lý, người điều hành khi thành lập Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ trong Nghị định 69/2016/NĐ-CP không phù hợp với thực tế. Những quy định này vô hình chung là rào cản đối với hoạt động mua bán nợ xấu, cũng như tác động tiêu cực tới tâm lý của TCTD khi buộc phải lựa chọn phương án bán nợ xấu cho VAMC hay các chủ thể khác. Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò cũng như hiệu quả trong hoạt động của VAMC và các chủ thể mua nợ khác trong thực tiễn, cần phải xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ mua bán nợ xấu đồng bộ và hoàn chỉnh, qua đó để nâng cao hiệu quả thực thi của các quy định này. Xuất phát từ những lý do nêu trên, việc lựa chọn đề tài: “Pháp luật về mua bán nợ xấu từ hoạt động cho vay của các TCTD ở Việt Nam” làm luận án tiến sĩ là việc làm cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.

Trích: Pháp luật về mua bán nợ xấu từ hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Hoàng Văn Thành

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Thị Ánh Vân - TS. Lê Đình Vinh

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page