top of page

Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

Luật Đất đai năm 2013 được ban hành trên cơ sở tổng kết, đánh giá các quy định phù hợp, chưa phù hợp của Luật Đất đai năm 2003 để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết. Tuy nhiên, đến nay sau một thời gian thi hành, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ những bất cập nhất định, trong đó có các quy định về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Thu hồi đất và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất vẫn là vấn đề nóng. Tranh chấp, khiếu kiện phát sinh từ thực tiễn áp dụng chế định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất chiếm số lượng lớn nhất (tỷ lệ 70%) trong các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai. Các khiếu kiện về thu hồi đất và bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phát sinh ở các địa phương trong cả nước. Có không ít trường hợp, người có đất bị thu hồi không tin tưởng vào chính sách bồi thường mà địa phương áp dụng, không tin tưởng việc giải quyết khiếu nại ở cơ sở dẫn đến khiếu nại đông người đến các cơ quan trung ương. Nội dung bất đồng giữa người bị thu hồi đất và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nằm ngoài những vấn đề cơ bản của chế định bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như căn cứ thu hồi đất, giá đất bồi thường, loại đất được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư... Trong những bất đồng, khiếu kiện này thì bồi thường về đất luôn là vấn đề trung tâm, nhạy cảm và phức tạp nhất. Bởi vì, mọi quyền lợi của người bị thu hồi đất luôn gắn liền với đất, xuất phát từ đất và là căn cứ của những quyền lợi bồi thường, hỗ trợ khác. Mặt khác, đất đai là tài sản có giá trị lớn, là không gian sống, là tư liệu sản xuất và gắn liền với đời sống tâm linh, tín ngưỡng nên đa phần người sử dụng đất không muốn bị thu hồi dẫn đến cuộc sống bị đảo lộn, quyền lợi bị ảnh hưởng, từ đó nảy sinh tư tưởng chống đối việc thu hồi đất. Hơn nữa, việc sử dụng đất của người dân thường xuyên biến động; trong khi đó việc quản lý nhà nước về đất đai chưa chặt chẽ, cơ sở dữ liệu đất đai, đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân của những khiếu kiện kéo dài, phức tạp. Dường như có thể nói rằng ở đâu có thu hồi đất thì ở đó có khiếu kiện về đất và liên quan đến đất. Những khiếu kiện này thể hiện các quy định của pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, chưa bảo hộ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, cản trở phát triển kinh tế - xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị - xã hội. Rõ ràng những sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai năm 2013 vẫn bộc lộ nhiều bất cập và chưa phát huy được vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền lợi chính đáng của người có đất bị thu hồi, giải quyết kém hiệu quả bài toán về sự đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người bị thu hồi đất, chưa “hạ nhiệt” các khiếu kiện và chưa phát huy hết tác dụng tích cực trong việc bảo đảm sử dụng nguồn lực đất đai và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những vấn đề trên đây đặt ra nhu cầu cấp thiết phải tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ về phương diện lý luận và thực tiễn pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, đặc biệt là pháp luật bồi thường về đất để đánh giá một cách toàn diện, tìm ra nguyên nhân của những tồn tại để có những giải pháp hữu hiệu góp phần hoàn thiện pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và nâng cao hiệu quả thực thi trên thực tế. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu sinh lựa chọn nghiên cứu đề tài “Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất” làm luận án tiến sĩ luật học.

Trích: Pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Nguyễn Vinh Diện

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - TS. Trần Quang Huy

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


5 lượt xem0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
Couldn’t Load Comments
It looks like there was a technical problem. Try reconnecting or refreshing the page.
bottom of page