top of page

Pháp luật phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam

Trong Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định mục tiêu tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo trong cơ cấu các nguồn năng lượng qua các thời kỳ và đến năm 2050 tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo đạt khoảng 44% trong cơ cấu các nguồn năng lượng. Để thực hiện được mục tiêu đó, nhà nước ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật với các nội dung về ưu đãi, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Cụ thể: Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 29/06/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam, Quyết định số 24/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/05/2014 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam, Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/04/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam... Các biện pháp ưu đãi, hỗ trợ phát triển năng lượng sạch chủ yếu là ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, ưu đãi về hạ tầng đất đai, ưu đãi về thị trường đầu ra... Đây là điều kiện quan trọng nhằm hu thút các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển năng lượng sạch. Tuy nhiên, có thể đánh giá hệ thống văn bản pháp luật về phát triển năng lượng sạch ở nước ta còn nhiều hạn chế như: các quy định còn sơ sài, mang tính chất chung chung chưa điều chỉnh hết các quan hệ phát sinh; các quy định nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau và phần lớn là các văn bản dưới luật, nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo; chưa có một văn bản luật chuyên biệt về phát triển năng lượng sạch; thiếu các bản quy hoạch phát triển năng lượng sạch với những số liệu đáng tin cậy về tiềm năng năng lượng sạch; thiếu các bộ quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ năng lượng sạch; thiếu các quy định về phát triển thị trường năng lượng sạch; thiếu các quy định về chính sách hỗ trợ đối với chủ thể khai thác, sản xuất, sử dụng năng lượng sạch quy mô nhỏ mang tính chất tiêu dùng; việc phát triển khoa học công nghệ năng lượng sạch còn gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu thiết bị, máy móc cho các

dự án phát triển năng lượng sạch; năng lượng hóa thạch vẫn được nhà nước trợ giá... Tất cả những khó khăn đó làm cho thực tế khai thác, sản xuất, sử dụng năng lượng sạch ở nước ta chưa tương xứng với tiềm năng. Chúng ta chưa có nhiều dự án phát triển năng lượng sạch quy mô lớn. Doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân không mặn mà với việc khai thác, sử dụng năng lượng sạch quy mô nhỏ. Trước xu hướng phát triển năng lượng sạch trong tương lai, một yêu cầu bức thiết đặt ra là nghiên cứu xây dựng lý luận pháp luật về phát năng lượng sạch. Trên cơ sở lý luận đã xây dựng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, hoàn thiện những quy định pháp luật có tác dụng kích thích phát triển năng lượng sạch. Nhận thức được tầm quan trọng của pháp luật trong việc phát triển năng lượng sạch và nhu cầu xây dựng, hoàn thiện lĩnh vực pháp luật này ở nước ta, tác giả xin chọn đề tài “Pháp luật phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam” làm luận án tiến sĩ.

Trích: Pháp luật phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Nguyễn Thị Bình

Người hướng dẫn khoa học: TS. Nguyễn Văn Phương - TS. Dương Thanh An

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


27 lượt xem0 bình luận

Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page