top of page

Hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam

Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam là bước đi có tính tất yếu khách quan của thời kỳ quá độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đó là quá trình lâu dài với nhiều nội dung phải thực hiện. Trong đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là một nội dung quan trọng. Như Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X chỉ rõ: việc xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải trên cơ cở “Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của các cơ quan công quyền”. Xây dựng Nhà nước pháp quyền là một quá trình, đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, pháp chế phải được bảo đảm, quyền con người, quyền công dân phải được tôn trọng và bảo vệ. Pháp luật khiếu nại, tố cáo là một bộ phận không thể tách rời của hệ thống pháp luật nói chung và là pháp luật về quyền bảo vệ quyền, bảo vệ các giá trị, chuẩn mực đã được pháp luật quy định. Bởi thế, việc nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung không thể tách rời những vấn đề về pháp luật khiếu nại, tố cáo và ngược lại. Khiếu nại, tố cáo là hiện tượng có tính pháp lý, chính trị và xã hội sâu sắc cho nên giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện theo những yêu cầu có tính nguyên tắc về thẩm quyền, trình tự, thủ tục; bảo đảm tôn trọng sự thật khách quan của vụ, việc; bảo đảm tính công khai, công bằng trong quá trình giải quyết; đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; đề cao quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người tố cáo. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ để phát huy dân chủ, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở nước ta cần phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Luật Khiếu nại và tố cáo. Trước yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Nhà nước phải có trách nhiệm bảo vệ công dân, bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Xuất hiện sự cần thiết phải cân bằng giữa yêu cầu của cải cách hành chính và yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững ổn định xã hội với yêu cầu của xu thế hội nhập quốc tế. Do vậy, các quy định của pháp luật nói chung và pháp luật khiếu nại, tố cáo nói riêng không những phải phù hợp với thực tiễn Việt Nam mà còn phải đáp ứng yêu cầu hội nhập; có sự tương thích giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, phù hợp giữa những cam kết của Việt Nam với các nước và quốc tế. Thực trạng và những đòi hỏi trên đã và đang đặt ra cho các nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn nhu cầu bức thiết phải giải đáp những vấn đề lý luận và thực tiễn đối với pháp luật khiếu nại, tố cáo và thực thi pháp luật khiếu nại, tố cáo phù hợp với những yêu cầu của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam. Do vậy việc nghiên cứu vấn đề “Hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam” là đòi hỏi có tính khách quan, cấp thiết vừa có tính lý luận vừa có tính thực tiễn hiện nay.


Trích: Hoàn thiện pháp luật khiếu nại, tố cáo trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội


Tác giả: Ngô Mạnh Toan

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Hoàng Thị Kim Quế

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page