top of page

Hoạch định chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay

Trong quá trình điều chỉnh các quan hệ xã hội đang biến đổi từng ngày thì hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn cồng kềnh, khó áp dụng, tính công khai, minh bạch còn hạn chế, tính đồng bộ, cân đối của hệ thống pháp luật mặc dù phần nào đã được cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch lớn trong các lĩnh vực khác nhau, vẫn còn bộc lộ sự chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng, logic giữa các VBQPPL. Bởi vậy, theo đánh giá của Bộ Chính trị trong Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020: “nhìn chung hệ thống pháp luật nước ta vẫn còn chưa đồng bộ thiếu thống nhất, tính khả thi, chậm đi vào cuộc sống. Cơ chế xây dựng, sửa đổi pháp luật còn thiếu hợp lý và chưa được coi trọng đổi mới hoàn thiện. Tiến độ xây dựng pháp luật còn chậm, chất lượng các văn bản pháp luật chưa cao”. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do “chưa hoạch định được một chương trình xây dựng pháp luật toàn diện, tổng thể, có tầm nhìn chiến lược”. Đặc biệt, giai đoạn lập chương trình xây dựng VBQPPL chưa chú trọng đến khâu hoạch định chính sách, khâu đánh giá tác động pháp luật và giai đoạn soạn thảo còn hạn chế, tính trách nhiệm cá nhân của các chủ thể tiến hành các hoạt động xây dựng pháp luật còn chưa cao... Điều này đồng nghĩa với việc đổi mới quy trình xây dựng VBQPPL, xác định tầm quan trọng của công đoạn hoạch định chính sách là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng VBQPPL cần phải được tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hoạt động này. Do đó, nhiệm vụ trong thời gian tới của Nhà nước và nhân dân ta là: “Hoàn thiện pháp luật về quy trình xây dựng, ban hành và công bố VBQPPL”. Còn nhiệm vụ của Quốc hội là “Tiếp tục đổi mới quy trình lập pháp, bảo đảm đồng bộ, hợp lý, nâng cao trách nhiệm của cơ quan trình dự án, cơ quan tham gia soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý”. Không chỉ riêng đối với Việt Nam mà với bất kỳ nhà nước nào, cho dù hoạt động xây dựng pháp luật của mỗi quốc gia đều có những điểm đặc thù, nhưng tất cả đều hướng đến việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật khoa học, hiệu

quả, các VBQPPL đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn. Để đạt được yêu cầu này, việc nghiên cứu hoạch định chính sách trong xây dựng VBQPPL là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm cho ra đời những chính sách tốt, những VBQPPL chất lượng để pháp luật thực sự là công cụ hữu hiệu giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Xuất phát từ lý do nêu trên để khẳng định, việc nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài “Hoạch định chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay” làm luận án tiến sĩ với những kiến nghị mới, hy vọng sẽ đem lại giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc nhằm nâng cao chất lượng chính sách, chất lượng VBQPPL, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Trích: Hoạch định chính sách trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam hiện nay

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Cao Kim Oanh

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Văn Quang - PGS. TS Bùi Thị Đào

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page