top of page

Cơ sở lý luận và thực tiễn về hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật xung đột ở Việt Nam

Trong những năm vừa qua, hệ thống các quy phạm xung đột cùng với các quy phạm pháp luật khác ở nước ta đã điều chỉnh có hiệu quả nhất định các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức tham gia quan hệ; thúc đẩy sự phát triển các quan hệ dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình giữa các công dân, tổ chức của Việt Nam với các công dân, tổ chức của nước ngoài và cũng góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới. Tuy nhiên, theo khảo cứu của tác giả luận án, hệ thống các quy phạm xung đột ở nước ta hiện nay còn có không ít những bất cập, đó là: vẫn còn thiếu những quy phạm mang tính chất là nguyên tắc, nền tảng, thuộc về chính sách TPQT của Việt Nam; nhiều quy phạm xung đột không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; có những quy phạm xung đột còn chưa phù hợp với nhu cầu của đời sống thực tế, tức là chưa đáp ứng được sự phát triển khách quan của các quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài, làm cho các quy phạm này khó đi vào thực tiễn; có những lĩnh vực quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài không có quy phạm xung đột điều chỉnh. Những bất cập như vậy đã có những cản trở không nhỏ đối với sự phát triển giao lưu dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình giữa công dân, tổ chức của Việt Nam với công dân, tổ chức của nước ngoài; ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự tham gia quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài. Những bất cập này sẽ được minh chứng qua phần nội dung của luận án. Với những bất cập đó, hệ thống quy phạm xung đột cần được khắc phục nhằm đạt được sự hoàn thiện và sự hoàn thiện này cũng nằm trong xu hướng chung của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam (PLVN) hiện nay. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống quy phạm xung đột hiện nay là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm những mục đích sau: - Bảo vệ các quyền là lợi ích chính đáng của các công dân, tổ chức tham gia quan hệ mang tính chất dân sự có yếu tố nước ngoài; - Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển giao lưu dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh doanh, thương mại quốc tế giữa công dân, tổ chức của Việt Nam với công dân, tổ chức của các nước; - Góp phần thực hiện tốt chính sách mở cửa, hội nhập của nước ta với khu vực và thế giới; - Góp phần hoàn thiện hệ thống PLVN trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước và xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta.


Trích: Cơ sở lý luận và thực tiễn về hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật xung đột ở Việt Nam

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Khoa luật - Đại học Quốc gia Hà Nội


Tác giả: Nguyễn Bá Chiến

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Nguyễn Bá Diến

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page