top of page

Chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ- vấn đề lý luận và thực tiễn

Chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 được quy định trên cơ sở kế thừa có chọn lọc các quy định về kết hôn trong các văn bản pháp luật HN&GĐ trước đó, đồng thời tiếp tục phát triển cho phù hợp với việc điều chỉnh quan hệ HN&GĐ trong thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện pháp luật cũng đã bộc lộ khá nhiều bất cập, tác động không nhỏ đến hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về vấn đề kết hôn, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người kết hôn, của gia đình và xã hội. Việc nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng ký kết hôn ngày càng có những diễn biến phức tạp, tình trạng tảo hôn và “hôn nhân cận huyết” ở các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây nguyên đã gióng lên những hồi chuông báo động cần phải ngăn chặn kịp thời. Chỉ riêng tỉnh Lào cai, năm 2012 Tổng cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình thực hiện khảo sát tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở 44 xã thuộc 9 huyện của tỉnh Lào Cai đã phát hiện 224 cặp kết hôn cận huyết thống. Điều này khiến dư luận hết sức lo ngại về việc suy giảm giống nòi, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và sự phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt gần đây nhiều đám cưới của những người đồng tính được tổ chức công khai bất chấp

sự phản đối của gia đình đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận xã hội với nhiều ý kiến trái chiều về việc thừa nhận hay không thừa nhận hôn nhân đồng giới. Mặt trái của kinh tế thị trường đã tác động tới lối sống của một bộ phận không nhỏ nam nữ thanh niên tạo ra những thay đổi đáng kể trong quan niệm về tình yêu và hôn nhân. Vì vậy, tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng có chiều hướng gia tăng. Việc nam nữ chung sống như vợ chồng thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau đã tạo ra những hiệu ứng không tốt ảnh hưởng tới đời sống HN&GĐ. Luật HN&GĐ năm 2000 không quy định cụ thể về việc giải quyết hậu quả của tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng dẫn đến nhiều trường hợp tranh chấp giữa các bên trở lên phức tạp. Việc kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với người nước ngoài, phổ biến là với nam giới Hàn quốc, Đài Loan, còn mang nặng mục đích kinh tế, hoặc mang tính trào lưu, nhiều trường hợp thông qua môi giới trái phép...Hoạt động kinh doanh môi giới kết hôn bất hợp pháp của một số tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức không lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, xúc phạm danh dự nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận [104]. Ra đời trong

trong bối cảnh đó, Luật HN&GĐ năm 2014 có giải quyết một cách thỏa đáng những vấn đề tồn tại phát sinh trong quá trình thực thi pháp luật điều chỉnh việc xác lập quan hệ vợ chồng hay không? cần có giải pháp nào để ổn định quan hệ HN&GĐ, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội? Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu một cách công phu và toàn diện làm cơ sở nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về kết hôn. Xuất phát từ những lý do trên chúng tôi lựa chọn đề tài: “Chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ- vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm nghiên cứu một cách sâu sắc và toàn diện chế định kết hôn và đưa ra các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả điều hỉnh của pháp luật về kết hôn trong giai đoạn hiện nay.


Trích: Chế định kết hôn trong Luật HN&GĐ- vấn đề lý luận và thực tiễn

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Đại học Luật Hà Nội


Tác giả: Bùi Thị Mừng

Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS Đinh Văn Thanh - TS. Nguyễn Văn Cừ

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios

Obtuvo 0 de 5 estrellas.
Aún no hay calificaciones

Agrega una calificación
bottom of page