top of page

Chế định án treo theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn Miền Trung và Tây Nguyên

Trên phương diện quốc tế, xu hướng đề cao quyền con người, phát huy tính nhân đạo của pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng ngày càng được các quốc gia quan tâm nghiên cứu và phản ánh vào trong các quy định pháp luật hình sự, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mình. Liên hợp quốc cũng đã khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường áp dụng các hình phạt có tính nhân đạo, không tước tự do; quy tắc Tokyo năm 1990 về các biện pháp không giam giữ đã minh chứng cho tinh thần này. Hiện nay rất nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Liên bang Nga, Mỹ, Pháp, Úc, Thụy Điển, Cu Ba... đều quy định chế định án treo trong pháp luật của mình theo xu hướng trên đây. Xu hướng toàn cầu hóa về án treo dần trở thành hiện thực và tác động không nhỏ đến hoạt động lập pháp và áp dụng pháp luật về án treo ở Việt Nam. Từ những tồn tại, hạn chế về lý luận, pháp luật và thực tiễn áp dụng án treo trong cả nước, đặc biệt tại khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, đòi hỏi cần phải có những công trình nghiên cứu mới về án treo dựa trên cách tiếp cận mới - cách tiếp cận xã hội học, xã hội học pháp luật, xã hội học luật hình sự...để khắc phục được những hạn chế, thiếu sót trong các phương diện nêu trên. Bởi lẽ: “Một trong những nhiệm vụ cấp bách của khoa học pháp lý nước ta hiện nay là nghiên cứu pháp luật trong đời sống, trong thực tế. Để giải quyết hiệu quả nhiệm vụ đó cần phải dựa vào các nghiên cứu pháp lý - xã hội về tính quyết định xã hội và hoạt động xã hội của các chế định, thiết chế pháp luật, của việc thực hiện các đạo luật trong đời sống xã hội”. Điều đó còn có nghĩa rằng, chính những hạn chế, bất cập trong nhận thức, trong quy định pháp luật hình sự, trong thực tiễn áp dụng án treo và xu hướng phát triển của luật hình sự đặt ra nhu cầu cấp thiết của việc nghiên cứu một cách thấu đáo, hệ thống, chuyên sâu án treo từ phương diện xã hội ở phạm vi quốc gia cũng như ở một vùng miền hay địa bàn cụ thể khác của Việt Nam. Đó cũng chính là lý do NCS lựa chọn đề tài: “Chế định án treo theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn Miền Trung và Tây Nguyên” làm luận án tiến sĩ.


Trích: Chế định án treo theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn Miền Trung và Tây Nguyên

- Luận án Tiến sĩ Luật học - Học viện Khoa học xã hội


Tác giả: Nguyễn Văn Bường

Người hướng dẫn khoa học: GS. TS Võ Khánh Vinh

 

Tài liệu trên được dẫn từ: FDVN Lawfirm

Xem trực tiếp tại:


Comments

Rated 0 out of 5 stars.
No ratings yet

Add a rating
bottom of page